Sáng ngày 29/3/2024, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Trường Đại học Charles Sturt (Australia) tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Bảo đảm chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia” (Quality assurance of transnational education).
Mục đích của Hội thảo là để trao đổi và chia sẻ thông tin về chính sách và các thực hành tốt trong bảo đảo chất lượng giáo dục xuyên quốc gia của Australia, Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường vai trò lãnh đạo trong giáo dục xuyên quốc gia để đạt được sự phát triển hiệu quả và bền vững được tài trợ bởi Chính phủ Australia.
Ảnh 1. Hội thảo quốc tế về Bảo đảm chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia
Diễn giả của Hội thảo là PGS. TS. Fion Choon Boey Lim, Phó trưởng Khoa Kinh doanh, Tư pháp và Khoa học Hành vi – Trường Đại học Charles Sturt, Australia và TS. Nguyễn Hữu Cương, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo – Trường Đại học Văn Lang. Hội thảo được điều phối bởi TS. Quách Thị Ngọc Minh, Chuyên viên chính, Cục Hợp tác Quốc tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội thảo đã thu hút hơn 180 người tham gia là cán bộ quản lí, lãnh đạo trường, giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ phụ trách hợp tác quốc tế và cán bộ phụ trách đảm bảo chất lượng từ các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm giáo dục trên khắp cả nước.
Ảnh 2. PGS. TS. Fion Choon Boey Lim trình bày báo cáo tại hội thảo
Mở đầu phần trình bày của mình, PGS. TS. Fion Choon Boey Lim đã đưa ra khái niệm về chất lượng nhìn từ góc độ giáo dục xuyên quốc gia. Tiếp đó, cô Fion đã tổng hợp những cơ chế quản lí giáo dục xuyên quốc gia của Australia đối với cấp độ quốc tế, quốc gia, cơ sở giáo dục và khoa. Trọng tâm của bài trình bày, cô Fion đã phân tích 02 trường hợp điển hình (case study) với một trường đại học thực hiện tốt giáo dục xuyên quốc gia và một trường đại học bị dừng hợp tác quốc tế ngay trong 02 năm đầu triển khai do không thực hiện tốt các quy định về bảo đảm chất lượng xuyên quốc gia. Kết thúc phần trình bày của mình, vị chuyên gia về giáo dục xuyên quốc gia đến từ Australia nhấn mạnh rằng đội ngũ giảng viên đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia, và giáo dục xuyên quốc gia khi thực hiện tốt sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho người học, các trường tham gia vào hợp tác và các bên liên quan.
Ảnh 3. TS. Nguyễn Hữu Cương, Trường Đại học Văn Lang trình bày báo cáo tại hội thảo
Với phần trình bày về bảo đảm chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia từ Việt Nam, trước tiên TS. Nguyễn Hữu Cương dẫn nguồn từ UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo với dữ liệu về số lượng du học sinh học Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2021-2022 (hơn 132.000 người), du học sinh nước ngoài học tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021 (45.000 người), và sinh viên Việt Nam đang học tại hơn 400 chương trình liên kết với nước người tại Việt Nam (25.000 người). Những số liệu trên cho thấy, việc bảo đảm chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia ở Việt Nam là rất quan trọng. Tiếp đó, TS. Nguyễn Hữu Cương đã phân tích những chính sách và quy định của Việt Nam về liên kết đào tạo với nước ngoài, những quy định về liên kết đào tạo được các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam xây dựng và ban hành, và kinh nghiệp của Trường Đại học Văn Lang với giáo dục xuyên quốc gia.
Ảnh 4. Các nhà khoa học tham gia hội thảo
Ngoài phần trình bày chính, PGS. TS. Fion Choon Boey Lim cũng chia sẻ thông tin về việc bảo đảm chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia của Trung Quốc. Nội dung trao đổi của PGS. TS. Fion Choon Boey Lim và TS. Nguyễn Hữu Cương đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học tham dự Hội thảo. Các thầy, cô đã cùng trao đổi và thảo luận về vai trò của giảng viên, đơn vị bảo đảm chất lượng của trường và sự tham gia của các bên liên quan đối với vấn đề đảm bảo chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia.
Ảnh 5. TS. Nguyễn Xuân Vang, nguyên Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi tại hội thảo
Cùng tham dự Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Vang, nguyên Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội đã chia sẻ những thông tin rất quý giá về cách tìm kiếm và lựa chọn đối tác liên kết đào tạo quốc tế.
Theo TS. Nguyễn Xuân Vang, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam muốn triển khai giáo dục xuyên quốc gia, mà cụ thể là liên kết đào tạo với nước ngoài thì cần phải tự trả lời 03 câu hỏi: (1) Chúng ta muốn thực hiện chương trình liên kết gì? (2) Chúng ta có khả năng hay không? Và (3) Lãnh đạo nhà trường có ủng hộ không? Ngoài ra, TS. Nguyễn Xuân Vang cũng nhấn mạnh để liên kết đào tạo thành công thì điều quan trọng nhất là cam kết lãnh đạo và tạo được lòng tin đối với đối tác nước ngoài.
Ảnh 6. TS. Quách Thị Ngọc Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều phối hội thảo
Được biết Dự án Tăng cường vai trò lãnh đạo trong giáo dục xuyên quốc gia để đạt được sự phát triển hiệu quả và bền vững (Empowering leadership in transnational education for an impactful and sustainable growth) được tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lí.
Ảnh 7. Một hoạt động khảo sát nhanh tại hội thảo
Nhóm thực hiện dự án bao gồm 05 nhà khoa học, nhà quản lí có chuyên môn sâu về giáo dục xuyên quốc gia và quản lí giáo dục và hiện đang công tác tại Việt Nam và Australia, bao gồm: TS. Quách Thị Ngọc Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Dự án; TS. Bùi Thị Như Huyền, Trường Đại học Deakin, Đồng Trưởng Dự án; TS. Nguyễn Hữu Cương, Trường Đại học Văn Lang, Trưởng nhóm Truyền thông của Dự án; TS. Đào Thanh Tùng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm Sự kiện của Dự án; GS. TS. Trần Thị Lý, Trường Đại học Deakin, Trưởng nhóm Nghiên cứu của Dự án.
Theo Tạp chí Giáo dục